Bài viết đưuọc sưu tầm bởi: pin mat troi
Từ TP.HCM dọc theo quốc lộ 1A về phía Bắc, Bình Thuận và Ninh Thuận là hai địa phương sở hữu nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, tạo tiền đề cho ngành công nghiệp năng lượng phát triển. Tận dụng lợi thế này, Bình Thuận và Ninh Thuận xác định phát triển ngành năng lượng là một trong những hoạt động cốt yếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến năm 2020 tầm nhìn 2030.
Hình minh họa năng lượng mặt trời
Bình Thuận nằm trong khu vực có gió ổn định quanh năm, tần suất chịu ảnh hưởng của các cơn bão thấp. Tốc độ trung bình khoảng 6m/giây, tổng diện tích khu vực có tiềm năng phát triển điện gió của tỉnh Bình Thuận lên đến hơn 75.468ha. Phía Đông Nam tỉnh Bình Thuận còn vùng đồi cát ven biển rộng hơn 50 nghìn ha chưa sử dụng. Theo khảo sát mới đây của Sở Công Thương Bình Thuận, công suất tiềm năng điện gió của toàn tỉnh ước đạt hơn 5.030MW. Tận dụng lợi thế này, Bình Thuận đã chủ động triển khai thu hút và ký kết đầu tư phát triển điện gió với nhiều nhà đầu tư. Ông Đinh Huy Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, trong vài năm gần đây, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến Bình Thuận để tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu phát triển điện gió. Đến nay, đã có 14 dự án điện gió với tổng công suất 1.750MW đăng ký đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhiều nhà đầu tư khác cũng tìm hiểu và mong muốn được bố trí địa điểm khảo sát, nghiên cứu phát triển điện gió đang được UBND tỉnh xem xét.
Cùng với quyết tâm khai thác tiềm năng lớn về năng lượng gió, sự ra đời của Hiệp hội Điện gió Bình Thuận là một hoạt động mang ý nghĩa to lớn trong việc tạo ra một đầu mối nối kết hợp tác khai thác tiềm năng điện gió. Ông Nguyễn Bội Khuê, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho biết, hiệp hội đã phối hợp với Dự án năng lượng gió - GTZ tổ chức hội thảo “Góp ý kiến quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận”, tổ chức tập huấn “Tổng quan về điện gió và đo gió”. Thông qua đó, bước đầu tạo ra quan hệ với Hiệp hội Năng lượng gió của Đức (BWE); đàm phán và ký biên bản ghi nhớ về hợp tác với Hiệp hội Năng lượng gió Trung Quốc (CWEA)… tạo ra những mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài trong khai thác tiềm năng điện gió tại địa phương.
Hình ảnh minh họa
Tiếp tục hành trình dọc quốc lộ 1A về phía Bắc, “láng giềng” Ninh Thuận cũng là một địa phương đang trên đà khai thác phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Ninh Thuận nằm trong vùng khô hạn nhất nước ta, có nền khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng là khô nóng, gió nhiều, khá khắc nghiệt. Tuy nhiên, đặc trưng khí hậu này chính là lợi thế của Ninh Thuận trong khai thác và phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Hiện, Ninh Thuận có 14 vùng gió tiềm năng với tổng diện tích khoảng 8.000ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Ninh Phước và Thuận Bắc. Tốc độ gió đo được bình quân trong năm ở độ cao 65m đạt 7,1m/giây, ở độ cao 12m đạt từ 18-28m/giây; mật độ gió từ 400-500 W/m2 trở lên (cao nhất khu vực phía Nam). Ngoài ra, Ninh Thuận là địa phương có cường độ chiếu xạ mặt trời lớn, hàng năm tiếp nhận lượng bức xạ mặt trời hơn 230 kcal/cm2. Số giờ nắng trung bình cả năm từ 2.600-2.800 giờ, với tổng nhiệt độ khoảng 10.0000C (tương đương 200 ngày nắng/năm). Do đó, Ninh Thuận là một trong những tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió và điện mặt trời.
Hình ảnh minh họa khai khác năng lượng gió tại Ninh thuận
Thông tin từ Văn phòng phát triển kinh tế Ninh Thuận (EDO), đến hết tháng 10/2011, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án có tổng mức đầu tư hơn 17 nghìn tỷ đồng, trong đó có 1 nhà đầu tư nước ngoài là dự án Nhà máy điện năng lượng tái tạo Phước Nam Enfinity (Bỉ) có công suất 124,5MW, triển khai trên diện tích 553ha tại huyện Thuận Nam; Chấp thuận 7 địa điểm cho DN lập hồ sơ xin cấp phép đầu tư và 3 DN đang xin phép khảo sát để lập hồ sơ xin phép đầu tư. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, năng lượng sẽ là lĩnh vực chủ chốt mà tỉnh ưu tiên phát triển để trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Ninh Thuận sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án phong điện, điện mặt trời, chế tạo thiết bị tuabin gió và các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ ngành năng lượng hạt nhân, năng lượng gió...; Từng bước hoàn thành mục tiêu đến 2020, nhóm ngành năng lượng đóng góp 11% GDP của tỉnh và giải quyết 5-8% nhu cầu năng lượng quốc gia.
Hình ảnh minh họa
Cùng với việc khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời, dự án Nhà máy Điện hạt nhân tại Ninh Thuận chính là bước đột phá đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng của cả nước trong phát triển bền vững và là điểm đến thu hút đầu tư. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 xây dựng tại huyện Thuận Nam, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tai huyện Ninh Hải với tổng công suất 4.000MW cho mỗi nhà máy. Đây là dự án đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược năng lượng phục vụ phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đáp ứng được nhu cầu điện của Việt Nam lên đến 200-230 tỷ KW/h điện vào năm 2020.
Chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và năng lượng mới, trong đó trọng điểm là Bình Thuận và Ninh Thuận được đánh giá là phù hợp với bối cảnh hiện tại khi các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt và không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội… Ngoài việc đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia, công nghiệp năng lượng còn là đòn bẩy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương cũng như thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo Kinh tế Việt Nam